Các sản phẩm chứng khoán phái sinh
Đến nay, thị trường chứng khoán phái sinh ở Việt Nam có 3 sản phẩm chính: Hợp đồng tương lai chỉ số VN30, Hợp đồng tương lai chỉ số HNX30 và Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ.
Sản phẩm chứng khoán phái sinh nào được triển khai ở Việt Nam?
Ngày 10/8/2017, thị trường chứng khoán phái sinh ở Việt Nam chính thức mở cửa. Trong đó, sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên được niêm yết và giao dịch trên thị trường Việt Nam là Hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu VN30. Đến nay, thị trường chứng khoán phái sinh ở Việt Nam có 3 sản phẩm chính: Hợp đồng tương lai chỉ số VN30, Hợp đồng tương lai chỉ s HNX30 và Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ.
1. Hợp đồng tương lai chỉ số VN30
Hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 là loại Hợp Đồng tương lai có tài sản cơ sở là chỉ số VN30, mô phỏng kỳ vọng giá của chỉ số VN30 tại thời điểm đáo hạn.
- HĐTL chỉ số VN30 giao dịch với 4 mã tương ứng 4 tháng đáo hạn: Tháng hiện tại, tháng kế tiếp, 2 tháng cuối 2 quý gần nhất.
- Chỉ số VN30 được tính dựa trên rổ 30 cổ phiếu có vốn hóa thị trường và tính thanh khoản cao nhất trên sàn HOSE.
Tên hợp đồng | Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 |
Mã hợp đồng | VN30F |
Tài sản cơ sở | Chỉ số VN30 |
Hệ số nhân | 100.000 đồng |
Quy mô hợp đồng | 100.000 đồng x điểm chỉ số cơ sở VN30 |
Tháng đáo hạn | Tháng hiện tại, tháng kế tiếp, 2 tháng cuối của 2 quý tiếp theo |
Đơn vị giao dịch | 1 Hợp đồng |
Biên độ giao động | +/- 7% |
Để hiểu rõ hơn, bạn hãy tham khảo ví dụ dưới đây:
Bạn mở vị thế mua 01 Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đáo hạn vào tháng 08/2021, và kỳ vọng thị trường (chỉ số VN30) sẽ tăng trong tương lai.
Khi giá hợp đồng tương lai tăng từ 1.000 điểm lên 1.010 điểm, nhà đầu tư đang lãi:
(1.010 – 1.000) x 100.000 đồng/điểm chỉ số = 1 triệu đồng
Giá trị ký quỹ của nhà đầu tư tăng lên: 15 triệu + 1 triệu = 16 triệu đồng
Phần trăm lãi của nhà đầu tư khi đó là: 1/15 = 7%
Còn nếu tham gia trên thị trường cơ sở, phần trăm lãi của nhà đầu tư chỉ là:
(1.010 –1.000)/1.000 x 100% = 1%
Như vậy, nhờ chỉ phải bỏ số tiền ký quỹ ban đầu (15%) mà chỉ với một biến động nhỏ về giá của hợp đồng tương lai có thể tạo ra mức lãi/lỗ lớn hơn nhiều lần so với việc đầu tư vào tài sản cơ sở.
2. Hợp đồng tương lai chỉ số HNX30
Hợp đồng tương lai trên chỉ số HNX30 là loại Hợp đồng tương lai có tài sản cơ sở là chỉ số HNX30. mô phỏng kỳ vọng giá của chỉ số HNX30 tại thời điểm đáo hạn.
- HĐTL chỉ số HNX 30 giao dịch với 4 mã tương ứng 4 tháng đáo hạn: tháng hiện tại, tháng kế tiếp, 2 tháng cuối 2 quý gần nhất.
- Chỉ số HNX30 được tính dựa trên rổ 30 cổ phiếu có vốn hóa thị trường và tính thanh khoản cao nhất trên sàn HNX.
3. Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ
Hợp đồng tương lai trên trái phiếu chính phủ (TPCP) là loại Hợp đồng tương lai có tài sản cơ sở là một trái phiếu chính phủ giả định do Sở Giao dịch chuẩn hóa các điều khoản bao gồm: Số năm đáo hạn, tháng đáo hạn, ngày đáo hạn, lãi suất danh nghĩa, hình thức trả gốc, lãi, rỗ trái phiếu được chấp nhận để chuyển giao, phương thức thanh toán đáo hạn (Bằng tiền/chuyển giao vật chất), …
Giao dịch Hợp đồng tương lai có gì khác biệt so với giao dịch cổ phiếu?
Việc giao dịch Hợp đồng đồng tương lai diễn ra tương tự so với giao dịch cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch thông qua giao dịch khớp lệnh hoặc giao dịch thoả thuận.
Các Hợp đồng tương lai sẽ có bảng giá riêng biệt, nhà đầu tư dựa trên kỳ vọng của mình vào xu hướng của chỉ số có thể đặt lệnh và khớp lệnh để tham gia vào Hợp đồng tương lai.
Tương tự như cổ phiếu, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số tăng sẽ mua hợp đồng tương lai chỉ số, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số giảm sẽ bán hợp đồng tương lai chỉ số.
Một điểm khác biệt là các hợp đồng tương lai sẽ đáo hạn, do đó nhà đầu tư khi tham gia giao dịch cần lưu ý chọn hợp đồng có tháng đáo hạn phù hợp.
Đối với cổ phiếu trên thị trường cơ sở, nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu cần phải có đủ số tiền, và nhà đầu tư muốn bán cổ phiếu phải có đủ số cổ phiếu trước khi giao dịch.
Tuy nhiên, đối với Hợp đồng tương lai, nhà đầu tư không cần có đủ toàn bộ số tiền để tham gia vị thế mua, hoặc không cần nắm giữ tài sản cơ sở để tham gia vị thế bán.
Nhà đầu tư khi giao dịch Hợp đồng tương lai, đối với cả bên mua và bên bán, sẽ cần làm quen với hai hoạt động chính trong Giao dịch hợp đồng tương lai: Ký quỹ và thanh toán hàng ngày.
1. Việc thanh toán hàng ngày diễn ra như thế nào?
Một điểm khác biệt nữa của thị trường chứng khoán phái sinh là cơ chế thanh toán hàng ngày. Nhà đầu tư khi giao dịch và nắm giữ các vị thế trong các hợp đồng chứng khoán phái sinh sẽ phải thực hiện thanh toán toàn bộ lãi lỗ phát sinh từ các vị thế đó mỗi ngày:
- Nếu tài khoản chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư lỗ ròng: nhà đầu tư sẽ phải thanh toán đầy đủ toàn bộ số lỗ phát sinh chậm nhất đến 9h sáng ngày hôm sau.
- Nếu tài khoản chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư lãi ròng:nhà đầu tư sẽ nhận được đầy đủ số lãi phát sinh sau 11h sáng ngày hôm sau.
Lãi/lỗ ở mỗi vị thế sẽ được tính toán dựa trên giá giao dịch đóng cửa của hợp đồng tương lai đó. Riêng đối với các hợp đồng tương lai chỉ số đến ngày đáo hạn, lãi/lỗ sẽ được tính toán dựa trên giá đóng cửa của chỉ số tại ngày đáo hạn của hợp đồng tương lai đó.
2. Giao dịch T+0
Hợp đồng tương lai cho phép nhà đầu tư đóng, mở vị thế trong ngày.
Ví dụ: Nhà đầu tư A mở vị thế mua HĐTL vào lúc 10:00 ngày 19/06/2021. Đến thời điểm 14:00 ngày 19/06/2021, nhà đầu tư A muốn chốt lợi nhuận đối với vị thế này, nhà đầu tư A chỉ cần đặt vị thế bán HĐTL để đóng vị thế.
3. Ký quỹ là gì và ký quỹ hoạt động như thế nào?
Ký quỹ là một trong những điểm khác biệt của giao dịch chứng khoán phái sinh so với giao dịch cổ phiếu. Ký quỹ trong giao dịch chứng khoán phái sinh đóng vai trò như một khoản đặt cọc để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của hai bên khi tham gia hợp đồng. Trung tâm lưu ký sẽ quy định tỉ lệ ký quỹ ban đầu cho mỗi loại hợp đồng khác nhau.
Tỉ lệ ký quỹ ban đầu do trung tâm lưu ký quy định sẽ nêu rõ nhà đầu tư phải ký quỹ bao nhiêu phầm trăm giá trị hợp đồng trước khi tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh.
Nhà đầu tư không có đủ số tiền ký quỹ như yêu cầu có thể bị gọi ký quỹ, và phải nộp đầy đủ ký quỹ để có thể tiếp tục nắm giữ vị thế đối với Hợp đồng tương lai
Ưu điểm của Giao dịch chứng khoán phái sinh Hợp đồng tương lai
Hợp đồng tương lai có một số ưu điểm như:
- Giao dịch dễ dàng, thuận tiện: Giao dịch hợp đồng tương lai diễn ra tương tự như giao dịch cổ phiếu. Nhà đầu tư dự đoán thị trường tăng điểm sẽ đặt lệnh mua để mở vị thế mua hợp đồng tương lai, khi thị trường tăng đúng như kỳ vọng, nhà đầu tư sẽ có được lợi nhuận. Ngược lại, nhà đầu tư có thể mở vị thế bán hợp đồng tương lai để kiếm lời trong thị trường giảm điểm.
- Tổng số lượng hợp đồng tương lai lưu hành không bị giới hạn: số lượng hợp đồng lưu hành trên thị trường phụ thuộc vào nhu cầu nhà đầu tư.
- Nhà đầu tư có thể tham gia Vị thế bán mà không cần sở hữu tài sản cơ sở của hợp đồng đó.
- Lợi thế đòn bẩy: Nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra 1 số tiền (ký quỹ) bằng một phần giá trị hợp đồng. Hợp đồng tương lai sẽ mang lại cho nhà đầu tư mức đòn bẩy rất cao. Khiến cho số lãi nhận được có thể lớn hơn nhiều so với đầu tư vào cổ phiếu.
Tuy nhiên, đòn bẩy cao cũng có thể mang lại thiệt hại lớn nếu thị trường đi ngược lại với dự đoán của nhà đầu tư, do vậy nhà đầu tư cần theo dõi thị trường chặt chẽ khi đã nắm giữ hợp đồng tương lai.
- Có thể mua/bán liên tục trong ngày: Nếu như trong giao dịch cổ phiếu, nhà đầu tư sau khi mua cổ phiếu phải chờ 2 ngày để cổ phiếu về tài khoản mới có thể thực hiện bán. Giao dịch hợp đồng tương lai, nhà đầu tư có thể ngay lập tức đóng vị thế vừa mở (bất kể là vị thế mua hay vị thế bán).
Như vậy, nhà đầu tư có thể liên tục mở và đóng vị thế trong phiên để tìm kiếm lợi nhuận trên mọi biến động của thị trường.
- Cơ hội tìm kiếm lợi nhuận khi thị trường giảm điểm. Hiện tại trên thị trường cổ phiếu, nhà đầu tư đang không có công cụ để tìm kiếm lợi nhuận trong thị trường giảm điểm. Nhưng với hợp đồng tương lai, nhà đầu tư hoàn toàn có thể thực hiện được việc này. Nhà đầu tư có thể tham gia vào vị thế bán hợp đồng tương lai bất kỳ lúc nào với điều kiện duy nhất cần đáp ứng là nộp đủ số lượng ký quỹ yêu cầu trước khi tham gia hợp đồng. Khi chỉ số giảm đúng như dự đoán, nhà đầu tư sẽ có được lợi nhuận từ giao dịch bán hợp đồng tương lai của mình.
Lưu ý: Các hợp đồng tương lai sẽ có thời gian đáo hạn, do đó nhà đầu tư khi tham gia giao dịch cần lưu ý chọn hợp đồng có tháng đáo hạn phù hợp.
Những rủi ro khi tham gia vào chứng khoán phái sinh
“Lợi thế đòn bẩy được coi là con dao 2 lưỡi khi nhà đầu tư tham gia vào thị trường”
Khi giá hợp đồng tương lai biến động theo chiều hướng có lợi, nhà đầu tư sẽ ghi nhận khoản tiền lãi lớn trên mức ký quỹ ban đầu.
Khi giá hợp đồng tương lai biến động theo chiều hướng bất lợi, nhà đầu tư sẽ chịu khoản thiệt hại lớn trên tài khoản ký quỹ.
Nếu giá trị ký quỹ xuống thấp hơn Mức ký quỹ duy trì, nhà đầu tư sẽ phải bổ sung ký quỹ.
Nếu không nộp bổ sung, nhà đầu tư buộc phải đóng 1 phần/toàn bộ vị thế đang nắm giữ bằng việc đặt lệnh đối ứng trên thị trường. Khi đóng được vị thế, nhà đầu tư vẫn phải thanh toán thiệt hại cho Trung Tâm Thanh Toán Bù trừ (TTTTBT) và công ty chứng khoán nếu như giá trị ký quỹ không đủ để chi trả.
Ở bài viết sau Tôi sẽ hướng dẫn bạn cách giao dịch và kiếm lợi nhuận từ thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam. Mời bạn đón xem các bài viết tiếp theo nhé!
Hãy đăng ký và theo dõi mạng xã hội bên dưới để nhận được những chia sẻ mới nhất
Cảnh báo: Đầu tư chứng khoán không đơn giản là việc Mua hoặc Bán một loại Cổ phiếu nào đó. Rất nhiều người tham gia giao dịch đã thua lỗ vì không có kiến thức hoặc không phù hợp. Giao dịch Chứng quyền hoặc Phái sinh sử dụng đòn bẩy cao có thể dẫn đến mất số hết số Vốn của bạn.
- Không phù hợp với những ai muốn làm giàu nhanh.
- Không dành cho những ai đang thất nghiệp muốn kiếm tiền để sinh sống hàng ngày.
- Không dành cho người có thu nhập thấp, nợ nần hoặc không chi trả nổi những chi phi lặt vặt trong cuộc sống.
Trước khi tham gia đầu tư Chứng khoán bạn cần tìm hiểu kỹ về bản chất của thị trường. Rất nhiều nhà giao dịch (trader) vì không có kiến thức về thị trường dẫn đến thua lỗ mất mát hoặc lừa đảo không đáng có.
Danh sách các sàn giao dịch uy tín nhất hiện nay