5 Phương Pháp Xác Định Xu Hướng Chính Xác Nhất Hiện Nay
Đây là những phương pháp giúp xác định xu hướng đơn giản và chính xác được nhiều nhà giao dịch chuyên nghiệp thường xuyên sử dụng khi phân tích kỹ thuật.
Một trong những chiến lược giao dịch tốt nhất dành cho nhà đầu tư cá nhân đó là ” luôn đi theo xu hướng”. Việc xác định chính xác xu hướng của thị trường và đi theo hướng đi của nó sẽ giúp cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ như chúng ta giảm thiểu rủi ro cũng như tận dụng lợi thế để kiếm được lợi nhuận từ thị trường. Bài viết này sẽ chia sẻ cho bạn 5 phương pháp xác định xu hướng chính xác nhất hiện nay. Mời bạn theo dõi!
Trước khi đi vào các phương pháp xác định xu hướng của thị trường, chúng ta cần biết định nghĩa và bản chất của xu hướng là gì? Tại sao chúng ta cần phải xác định xu hướng khi phân tích biểu đồ kỹ thuật.
1. Xu Hướng Là Gì?
Xu hướng là hướng đi của thị trường trong một khoảng thời gian nhất định. Xu hướng có thể mạnh lên, xu hướng có thể yếu đi hay xu hướng có thể bị phá vỡ đảo chiều hình thành một xu hướng mới.
Xu hướng được hình thành từ sự dịch chuyển của giá. Giá được hình thành từ lượng Cung Cầu trên thị trường của nhà giao dịch. Vậy yếu tố cội nguồn hình thành nên một xu hướng chính là lượng Cung Cầu của nhà giao dịch trên thị trường.
Lượng Cung Cầu trên thị trường luôn thay đổi, nên xu hướng của thị trường cũng vì vậy mà thay đổi theo. Có 3 loại xu hướng cơ bản: Xu hướng tăng, xu hướng giảm và không xu hướng.
- Xu hướng tăng là khi giá liên tục hình thành đỉnh mới cao hơn đỉnh cũ và đáy mới cao hơn đáy cũ.
- Xu hướng giảm là khi giá hình thành đáy mới thấp hơn đáy cũ và đỉnh mới thấp hơn đỉnh cũ.
- Còn lại không nằm trong trường hợp nào thì đó là thị trường không xu hướng, giá đi ngang còn gọi là sideway.
2. Phương Pháp Xác Định Xu Hướng
Trong thực tế, có rất nhiều cách xác định xu hướng thị trường. Tuy nhiên, chúng ta sẽ tập trung vào 5 cách xác định xu hướng như sau:
- Xác định xu hướng theo mô hình nến đảo chiều
- Xác định xu hướng theo đường xu hướng trendline
- Xác định xu hướng theo mô hình giá
- Xác định xu hướng dựa vào chỉ báo kỹ thuật (Indicators)
- Xác định xu hướng theo mô hình đỉnh đáy
Đây là những cách xác định xu hướng được nhiều nhà giao dịch chuyên nghiệp ưa thích sử dụng vì tính đơn giản nhưng hiệu quả của nó mang lại rất lớn. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu chi tiết từng phương pháp xác định xu hướng này.
2.1. Xác định xu hướng theo Mô Hình Nến đảo chiều
Mô hình nến Pinbar – Pinocchio Bar
Pinbar là cây nến được rất nhiều nhà giao dịch (Trader) nổi tiếng trên thế giới tin dùng.
Pinbar mô phỏng lại cái mũi dài của cậu bé người gỗ Pinocchio. Nó có 1 cái đuôi dài, càng dài thì càng gọi là Pinbar tốt. Đuôi còn lại của Pinbar phải gần với phần thân nến, càng gần càng tốt.
- Đối với Pinbar tăng giá (Bullish Pinbar), đuôi dưới chiếm phần lớn chiều dài nến.
- Đối với Pinbar giảm giá (Bearish Pinbar), đuôi trên chiếm phần lớn chiều dài nến.
Cái đuôi của Pinbar cho thấy một sự từ chối giá rất mạnh. Khi hình thành cái đuôi này, giá đã tạm thời phá được một vùng hỗ trợ hoặc kháng cự, nhưng lực mua lên hoặc bán xuống đã mạnh hơn và đủ sức đẩy cây nến đóng cửa về phía còn lại.
Hầu hết các Pin Bar hình thành trên biểu đồ ngày (D1) đều là kết quả hành động của các tay chơi lớn (big boy) như các ngân hàng, quỹ đầu tư,… Có nghĩa là một lượng lớn lệnh chờ đã được kích hoạt tại một mức giá xác định. Hầu hết đuôi của các Pin Bar được hoàn thành trong vòng vài giờ và thường hơn 50pips. Chỉ có các tay chơi lớn như ngân hàng, quỹ mới đủ sức tạo nên sự dịch chuyển này.
Là các nhà giao dịch nhỏ (retail trader), chúng ta cần theo đuôi xu hướng hình thành sau Pin Bar. Nó giúp chúng ta thấy rõ nơi các tay chơi lớn nhập cuộc. Đây là mức giá hoặc vùng giá mà các ngân hàng và quỹ cho rằng đang dưới hoặc quá giá trị thật.
Điều này còn tuyệt vời hơn khi nó thường xảy ra quanh khu vực hỗ trợ (support) và kháng cự (resistance) tạo nên lợi thế lớn cho nhà giao dịch. Chúng ta không còn phải mò mẫm các vùng giá mà chúng ta nghĩ rằng sẽ là hỗ trợ hoặc kháng cự. Thay vào đó, chúng ta xác định chúng và để các tay chơi lớn chỉ đường. Bằng cách này, chúng ta giao dịch cái đang xảy ra chứ không giao dịch cái mà chúng ta nghĩ nữa.
Mô hình nến Marubozu
Nến Mazuboru là một nến không có bóng nến mà chỉ có thân nến dài.
- Tức là cây nến chỉ có giá mở cửa và giá đóng cửa.
- Lúc này, giá mở cửa và giá đóng cửa đã trùng với giá cao nhất hoặc thấp nhất phiên rồi.
Có thể thấy 2 dạng Marubozu như dưới đây:
Mazuboru tăng (thân nến xanh) không có bóng trên bóng dưới vì giá mở cửa đã trùng với giá thấp nhất, còn giá đóng cửa trùng với giá cao nhất. Đây là một mô hình nến tăng mạnh, thể hiện bên Mua đã thắng thế.
- Nó thường là dấu hiệu đầu tiên của việc giá sẽ tăng tiếp
- Hoặc là dấu hiệu đảo chiều từ giảm giá sang tăng giá.
Trong biểu đồ Vàng dưới đây, sau khi nến Marubozu xuất hiện, nếu chúng ta đặt lệnh Mua thì đã có lợi nhuận rồi phải không nào? Vì thị trường vẫn tiếp tục di chuyển theo xu hướng tăng.
Mazuboru giảm (thân nến đỏ) không có bóng trên và dưới vì giá mở cửa đã trùng với giá cao nhất, còn giá đóng cửa trùng với giá thấp nhất. Đây là một mô hình nến giảm mạnh, thể hiện bên Bán đã thắng thế.
- Nó thường là dấu hiệu đầu tiên của việc giá sẽ giảm tiếp.
- Hoặc là dấu hiệu đảo chiều từ tăng giá sang giảm giá.
Còn ngược lại, khi xuất hiện nến Marubozu giảm, thị trường báo hiệu sắp có xu hướng giảm mạnh. Chúng ta cần đặt lệnh Bán sau khi cây nến Marubozu xuất hiện.
Một Marubozu là đối cực của Doji. Giá mở cửa và giá đóng cửa của nó là ở cuối cực của nến. Trực quan, nó là một khối.
Mô hình nến Nhấn Chìm Giảm (Bearish Engulfing Pattern)
Mô hình này xuất hiện khi có một cây nến tăng nhưng ngay sau đó là một cây nến giảm rất lớn.
Cây nến giảm xuất hiện sau “nhấn chìm” hoàn toàn cây nến tăng phía trước. Điều này có nghĩa là bên Bán đã quyết định đẩy giá xuống mạnh sau một giai đoạn tăng giá hoặc đi ngang (sideway).
Mô hình nến Bao Trùm Tăng (Bullish Engulfing Pattern)
Mô hình nến Bao Trùm Tăng trái ngược với mô hình nhấn chìm giảm. Mô hình tăng xuất hiện sau một cây nến giảm được kèm theo sau bằng một cây nến tăng mạnh.
Mô hình nến “bao trùm” hoàn toàn cây nến giảm trước. Điều này có nghĩa là bên Mua đã thắng thế và một đợt tăng giá có thể xảy ra.
Mô Hình Ba Nến Đảo Chiều Tăng
Mô hình Ba Nến Đảo Chiều Tăng thường xuất hiện ở giai đoạn cuối của xu hướng giảm. Nó thể hiện rằng xu hướng giảm có thể đã hết và xu hướng lên đã bắt đầu. Để có một mô hình Ba Nến Đảo Chiều Tăng đúng, cần chú ý các đặc điểm sau:
- Cây nến đầu tiên thường nằm ở cuối cùng của xu hướng giảm, thể hiện qua hình ảnh một cây nến giảm dài.
- Cây nến thứ 2 là một cây nến tăng, chạm vào phần giữa của cây nến giảm trước đó
- Cây nến thứ 3 cần đóng cửa phía trên cây nến đầu tiên nhằm xác định rằng bên Mua đã thắng thế.
Mô Hình Ba Nến Đảo Chiều Giảm
Ngược lại, mô hình Ba Nến Đảo Chiều Giảm (Three Inside Down) sẽ nằm ở cuối cùng của xu hướng tăng. Nó thể hiện rằng xu hướng tăng có thể đã kết thúc và xu hướng giảm bắt đầu.
» Khóa học Mô Hình Nến (miễn phí)
2.2. Xác định xu hướng theo đường xu hướng Trendline
» Tổng hợp những phương pháp vẽ Trendline mới nhất
Đường Xu Hướng Tăng – Uptrend
- Một đường xu hướng tăng được thiết lập bởi các đỉnh giá cao hơn và đáy giá cao hơn.
- Một đường xu hướng tăng dễ nhận thấy trên biểu đồ nến qua một đường hỗ trợ.
- Đường đường xu hướng tăng được thể hiện trên biểu đồ bằng cách nối một đáy với đáy kế tiếp.
Đường Xu Hướng Giảm – Downtrend
- Đường xu hướng giảm được thiết lập bởi các đỉnh giá thấp hơn và các đáy giá thấp hơn.
- Một đường xu hướng giảm dễ nhận thấy trên biểu đồ qua một đường kháng cự.
- Đường đường xu hướng giảm được thể hiện trên biểu đồ bằng cách nối một đỉnh với đỉnh kế tiếp
2.3. Xác định xu hướng theo Mô Hình Giá
Mô hình giá đảo chiều là những mô hình cho tín hiệu xu hướng giá hiện tại có thể sẽ thay đổi từ giảm sang tăng hoặc từ tăng sang giảm. Nếu mô hình đảo chiều được hình thành ở cuối chu kỳ trong một xu hướng tăng, nó gợi ý giá có thể sẽ giảm hoặc ngược lại.
Mô hình giá Vai Đầu Vai
Có 2 dạng mô hình Vai Đầu Vai:
- Mô hình Vai Đầu Vai Thuận (Mô hình giảm giá) có ba mức sóng (swing) cao, sóng giữa là cao nhất (Đầu), hai sóng cao còn lại là Vai. Đường nối giữa hai mức thấp là đường viền cổ áo.
- Mô hình Vai Đầu Vai Ngược (Mô hình tăng giá) có ba mức sóng (swing) thấp, sóng giữa là thấp nhất. Đường nối giữa hai đỉnh cao là đường viền cổ áo.
Trong trường hợp tăng giá, Vai trái và Đầu làm nổi bật xu hướng giảm, Vai phải kết thúc trên đầu cho thấy xu hướng giảm đã kết thúc. Việc phá vỡ đường viền cổ sau đó xác nhận sự thay đổi của xu hướng, có thể gọi đây là Mô hình Vai Đầu Vai Ngược. Tương tự trong trường hợp Vai Đầu Vai giảm giá.
Mô hình giá Hai Đáy Hai Đỉnh
Mô hình giá Hai Đáy Hai Đỉnh là mô hình thường xuyên xuất hiện trên các biểu đồ giao dịch. Được rất nhiều nhà đầu tư (trader) chuyên nghiệp sử dụng.
Một mô hình giá 2 Đáy (Double Bottom) có hai mức thấp dao động ở cùng một mức giá. Sự dao động cao ở giữa chúng tạo ra một đường kháng cự (resistance).
Trong mô hình giá 2 Đáy, sóng (swing) thấp đầu tiên đánh dấu mức cực thấp của xu hướng giảm. Khi swing thứ hai thấp không không phá vỡ được mức sóng đáy sóng thứ nhất, đó là một cảnh báo rằng một sự đảo ngược có thể xảy ra. Một khi thị trường phá vỡ trên mức kháng cự, nó xác nhận sự đảo chiều tăng.
Mô hình giá 2 Đỉnh (Double Top) có hai mức cao dao động ở cùng mức giá. Sự dao động thấp ở giữa chúng tạo ra một đường hỗ trợ (support).
Trong mô hình giá 2 Đỉnh được áp dụng tương tự và dẫn đến sự đảo chiều giảm. Sau một xu hướng đi lên mạnh mẽ, mức giá gặp phải đường kháng cự và không thể vượt qua nó. Do đó, giá giảm và thị trường đảo chiều sang xu hướng đi xuống và mức giá cắt qua đường xu hướng (Đỉnh 1). Đây là dấu hiệu đảo chiều đầu tiên.
Mức giá tiếp tục đi xuống cho đến khi nó nhận được một vài sự hỗ trợ. Đây là thời điểm mà người mua tham gia thị trường và cố gắng khôi phục xu hướng đi lên trước đó (Đỉnh 2). Nhưng họ không thành công khi giá đạt tới mức đỉnh trước đây (Đỉnh 1).
Nó khuyến khích người mua đóng trạng thái mua của mình và người bán bán ra. Một xu hướng đi xuống mới cắt qua đường của đáy trước đó. Sự phá vỡ này hoàn thiện mô hình giá.
Mô hình giá Ba Đỉnh Ba Đáy
Mô hình giá Ba Đỉnh Ba Đáy là một trong những mô hình giá thường xuyên xuất hiện trong biểu đồ giá. Được rất nhiều nhà giao dịch quan tâm. Nếu bạn đã hiểu rõ về mô hình giá Hai Đỉnh Hai Đáy ở phần trước, thì việc tìm hiểu về mô hình giá Ba Đỉnh Ba Đáy là rất đơn giản.
Mô hình giá Ba Đỉnh là sự kếp hợp của ba đỉnh và hai đáy. Các đỉnh của mô hình này nằm trên đường giá xấp xỉ nhau. Đỉnh đầu tiên nên là đỉnh cao nhất, đây là một điều kiện rất quan trọng. Theo quy luật, đỉnh thứ tư sẽ không xuất hiện. Mô hình ba đỉnh ba đáy hiếm khi xuất hiện và thường sẽ mất nhiều thời gian hơn để giá tạo được mô hình này.
Một mô hình Ba Đỉnh (Triple Top) có ba mức sóng (swing) cao ở cùng mức giá.
Đặc trưng của mô hình giá Ba Đỉnh Ba Đáy đồng nhất với những đặc điểm của mô hình giá Hai Đỉnh Hai Đáy. Thời điểm để mở một trạng thái giao dịch là khi giá phá vỡ đường của đỉnh thấp nhất trong mô hình Ba Đỉnh hoặc đỉnh cao nhất trong mô hình Ba Đáy.
Mục tiêu giá nằm giữa đỉnh của mô hình và điểm phá vỡ. Mức cắt lỗ nên được đặt trên điểm phá vỡ (nếu bạn đang mở một trạng thái bán) hoặc dưới nó (nếu bạn đang mở một trạng thái mua).
Tương tự với mô hình Ba Đáy, bạn hoàn toàn có thể làm tương tự. Để giao dịch tốt với mô hình giá Ba Đỉnh Ba Đáy, bạn cần thời gian rèn luyện và thử nghiệm trên thị trường thực. Sau khi đã hiểu rõ được diễn biến của nó, bạn mới nên áp dụng nó vào giao dịch trên tài khoản tiền thật.
Một mô hình Ba Đáy (Triple Bottom) có ba mức sóng (swing) thấp ở cùng mức giá.
Bạn cũng có thể hình dung nó với mô hình giá Vai Đầu Vai trong trường hợp mức giá ở Đầu và 2 Vai là như nhau.
Mô hinh giá Ba Đáy đại diện cho hai lần thất bại để đẩy xuống dưới mức hỗ trợ được thiết lập bởi cú sóng (swing) thấp đầu tiên. Đương nhiên, nó gợi ý về một xu hướng đảo ngược trong thời gian tới. Một đợt phá vỡ trên đường kháng cự xác nhận cho xu hướng đảo chiều đảo ngược.
Tương tự, Mô hình giá Ba Đỉnh cho thấy hai nỗ lực không thành công để tiếp tục xu hướng tăng và thể hiện sự đảo chiều giảm giá trong thời gian tới.
» Khóa học Mô Hình Giá (miễn phí)
2.4. Xác định xu hướng dựa vào chỉ báo kỹ thuật (Indicators)
Các chỉ báo kỹ thuật (Indicators) cũng là những công cụ hữu hiệu giúp xác định xu hướng chính xác như:
- Đường trung bình EMA
- Mây Ichimoku
- Chỉ báo Bollinger Bands
- Chỉ báo Parabolic SAR
Tín hiệu giao cắt giữa EMA và đường giá
- Nếu phần lớn giá nằm trên đường EMA thì thể hiện kỳ vọng của các nhà giao dịch cao hơn so với giai đoạn trước, thị trường đang trong xu hướng tăng.
- Nếu phần lớn giá nằm dưới đường EMA thì thể hiện kỳ vọng của nhà giao dịch thấp hơn so với giai đoạn trước, thị trường đang trong xu hướng giảm.
Đây được xem là chiến lược giao dịch đơn giản nhất với đường EMA nhưng cũng là chiến lược có nhiều tín hiệu gây nhiễu nhất, rủi ro nhất.
Đường trung bình EMA Là Hỗ Trợ và Kháng Cự Động
Có rất nhiều người giao dịch sử dụng EMA như những kháng cự hỗ trợ quan trọng.
- Trong xu hướng tăng, đặt lệnh Mua khi giá điều chỉnh giảm chạm đường hỗ trợ động EMA.
- Trong xu hướng giảm, đặt lệnh Bán khí giá điều chỉnh tăng chạm kháng cự động EMA.
Chú ý: Đường trung bình EMA cũng như những kháng cự hỗ trợ bình thường, có nghĩa là không phải khi nào giá cũng chạm vào rồi bật ra, đôi khi giá cũng vượt qua một chút trước khi quay đầu trở lại đi đúng hướng.
Nhiều người đã sử dụng 2 đường EMA để chỉ Mua và Bán khi giá rơi vào khoảng giữa 2 đường EMA. Vùng ở giữa 2 đường EMA đó có thể xem là vùng kháng cự hỗ trợ mạnh.
Ưu điểm và Nhược điểm của đường trung bình EMA
Bất cứ công cụ chỉ báo nào cũng có những Ưu điểm và Nhược điểm. Đường trung bình EMA cũng vậy, quan trọng là bạn phải phát huy được những Ưu điểm của nó, và hạn chế bớt những Nhược điểm. Từ đó sẽ giúp bạn giao dịch tốt hơn.
Ưu điểm của EMA?
- Đường trung bình EMA phản ánh hành động giá nhanh hơn trong khoảng thời gian ngắn. Điều này sẽ giúp chúng ta nắm bắt được xu hướng sớm.
- Và chúng ta nắm bắt được xu hướng sớm thì cũng có thể giao dịch dài hạn hơn và thu được nhiều lợi nhuận lơn hơn.
Nhược điểm của EMA
- Đường trung bình EMA biến động nhấp nhô, dẫn đến chúng ta có thể bị đánh lừa vì nó phản ứng quá nhanh đối với giá.
- Có thể bạn nghĩ rằng một xu hướng mới đang hình thành nhưng thực tế chỉ là dấu hiệu giả dẫn đến tín hiệu sai lầm.
Vì vậy, để hạn chế những nhược điểm trên chúng ta có thể giao dịch theo giao cắt giữa các đường trung bình.
2.5. Xác định xu hướng theo Mô Hình Đỉnh Đáy
- Xu hướng tăng được hình thành khi có đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, đáy sau cao hơn đáy trước.
- Xu hướng giảm được hình thành khi có đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, đáy sau thấp hơn đáy trước.
- Xu hướng đi ngang được hình thành khi có các đỉnh bằng nhau, các đáy bằng nhau (cùng bằng mức giá).
Có 2 dạng xu hướng đảo chiều cơ bản từ xu hướng giảm sang xu hướng tăng:
- Xu hướng giảm bị phá vỡ (Đỉnh sau cao hơn Đỉnh trước) nhưng chưa hình thành xu hướng tăng, chờ đợi xu hướng tăng hình thành (Đáy sau cao hơn Đáy trước) mới xác nhận đảo chiều.
- Xu hướng tăng hình thành (Đáy sau cao hơn Đáy trước) nhưng xu hướng giảm chưa bị phá vỡ, khi xu hướng giảm bị phá vỡ (Đỉnh sau cao hơn Đỉnh trước) thì xác định xu hướng đã đảo chiều.
Ngược lại, Có 2 dạng xu hướng đảo chiều cơ bản từ xu hướng tăng sang xu hướng giảm:
- Xu hướng tăng bị phá vỡ (Đáy sau thấp hơn Đáy trước)nhưng chưa hình thành xu hướng giảm, chờ đợi xu hướng giảm hình thành (Đỉnh sau thấp hơn Đỉnh trước) mới xác nhận đảo chiều.
- Xu hướng giảm hình thành (Đỉnh sau thấp hơn Đỉnh trước) nhưng xu hướng tăng chưa bị phá vỡ, khi xu hướng tăng bị phá vỡ (Đỉnh sau cao hơn Đỉnh trước) thì xác định xu hướng đã đảo chiều.
» Khóa học phương pháp giao dịch nến Heiken Ashi (Video)
Trên đây là toàn bộ 5 phương pháp giúp xác định xu hướng thị trường mà tôi đã đúc kết kinh nghiệm và học hỏi từ những nhà giao dịch chuyên nghiệp nổi tiếng trên thế giới. Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn kiến thức hữu ích cho quá trình giao dịch trên thị trường.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm hiểu thêm kiến thức từ trang TRADERPTKT.COM. Đây là trang có đầy đủ các kiến thức đầu tư từ cơ bản đến nâng cao. Chúc các bạn thành công!